Một số lưu ý khi xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là:
1) Căn cứ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu với nhãn hiệu đang được bảo hộ bao gồm:
(i)
Phạm vi bảo hộ về tổng thể, từng thành phần của nhãn hiệu; mức độ tương
tự của dấu hiệu với nhãn hiệu về tổng thể và với các thành phần có khả
năng phân biệt của nhãn hiệu, đặc biệt thành phần gây ấn tượng mạnh đối
với người tiêu dùng;
(ii)
Tính liên quan của hàng hóa, dịch vụ về chức năng, công dụng, thành
phần cấu tạo; thực tiễn tập quán mua bán, phân phối, lựa chọn, sử dụng
hàng hóa, dịch vụ; điều kiện, phương thức, địa điểm bày bán, phân phối,
tiếp thị, quảng bá, mua bán hàng hóa, dịch vụ;
(iii)
Đặc điểm của đối tượng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; mức độ chú ý của
người tiêu dùng khi lựa chọn, mua bán hàng hóa, dịch vụ;
(iv)
Những tiêu chí khác như: thực tiễn sử dụng và bảo hộ các nhãn hiệu
tương tự cho cùng loại hàng hóa; ảnh hưởng của các yếu tố khác thúc đẩy
sự liên tưởng về mối quan hệ giữa hàng hóa, dịch vụ bị xem xét với hàng
hóa, dịch vụ được bảo hộ;
(v)
Chứng cứ về hậu quả nhầm lẫn đối với người tiêu dùng có thể được sử
dụng để hỗ trợ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của việc sử dụng dấu hiệu
nhưng không phải là điều kiện bắt buộc trong việc đưa ra kết luận về khả
năng gây nhầm lẫn của việc sử dụng dấu hiệu.
2) Một số lưu ý khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
(i) Trường hợp sử dụng dấu hiệu trùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng với
nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký
nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam
hoặc Công báo nhãn hiệu quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới,
thì không cần xem xét khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng
hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
(ii)
Trường hợp sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ
tương tự hoặc liên quan; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu cho
hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch
vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đã được xác định
tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quốc
tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo nhãn hiệu quốc tế của Tổ chức
Sở hữu trí tuệ thế giới, thì cần phải xem xét khả năng gây nhầm lẫn cho
người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
3) Một số lưu ý khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng:
(i)
Trường hợp sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng
hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho
hàng hóa, dịch vụ bất kỳ kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không
tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng
hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng thì cần phải đánh giá khả năng gây
nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc về mối quan hệ giữa người
sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng;
(ii)
Trường hợp sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng
theo quy định tại tiết (i) điểm c khoản 6 Điều 8 Thông tư
37/2011/TT-BKHCN không có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa,
dịch vụ nhưng gây ấn tượng sai lệch cho người tiêu dùng về mối quan hệ
giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì
cũng bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
(iii)
Khi nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ thể
quyền phải cung cấp các chứng cứ chứng minh nhãn hiệu đó đã nổi tiếng
tại Việt Nam theo các tiêu chí quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí
tuệ, không phụ thuộc vào việc nhãn hiệu đó đã được đăng ký bảo hộ tại
Việt Nam hay chưa;
(iv)
Trước khi quyết định tiến hành thủ tục xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm
quyền xử lý vi phạm căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 75 của
Luật Sở hữu trí tuệ để xem xét, đánh giá một nhãn hiệu có được coi là
nổi tiếng tại Việt Nam
hay không. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt có thể trao đổi ý kiến chuyên
môn với Cục Sở hữu trí tuệ và lấy ý kiến hội đồng tư vấn.
Trường
hợp nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam được công nhận theo thủ tục tố
tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, thì
cơ quan xử lý vi phạm có thể căn cứ vào các tài liệu liên quan để xem
xét việc công nhận nhãn hiệu được coi là nổi tiếng tại Việt Nam nếu việc
công nhận nhãn hiệu nổi tiếng của các cơ quan nêu trên tại thời điểm
yêu cầu xử lý vi phạm còn phù hợp.
|