Công ty SG phát hiện hai Cơ sở TN và LH sản xuất, kinh doanh các loại nước
hoa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHCN của mình. Hai Cơ sở TN và LH sản xuất, kinh
doanh sản phẩm nước hoa có các nhãn hiệu “Miss Rezza” và có kiểu dáng bên ngoài
không khác biệt với kiểu dáng gắn nhãn hiệu “Miss Sài Gòn” của Công ty SG.
Sau khi xem xét các yếu tố xâm phạm của nhãn hiệu và
kiểu dáng này, cơ quan có thẩm quyền đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với
hai Cơ sở LH và TN, tạm giữ 7.000 chai nước hoa có nhãn hiệu và kiểu dáng xâm
phạm và gần 700 vỏ chai.
Hồ sơ vụ việc được trình và Chủ tịch UBND thành phố
Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt ở mức 75 triệu đồng đối với mỗi Cơ
sở, tước quyền kinh doanh trong 1 năm, tịch thu, tiêu huỷ số hàng có yếu tố xâm
phạm.
Sau khi nhận được quyết định xử phạt, hai Cơ sở LH
và TN đã khiếu nại và nhận được quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung là
giữ nguyên các nội dung của quyết định xử phạt.
Không chấp nhận quyết định giải quyết khiếu nại nói
trên, hai Cơ sở LH và TN tiếp tục khiếu nại quyết định xử phạt này trước Toà
Hành chính Toà án ND thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên bác đơn
khiếu kiện của hai cơ sở, buộc phải chấp hành quyết định xử phạt. LH và TN tiếp
tục kháng cáo lên Toà phúc thẩm - Toà án nhân dân Tối cao.
Tại phiên toà phúc thẩm, sau khi xem xét, tranh luận
công khai, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên: LH và TN có hành vi xâm phạm
quyền SHCN trong việc sử dụng nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của Công ty
SG. Tuy nhiên, quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành chậm 2 ngày so
với thời hạn do Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định. Do đó, thời hiệu xử phạt hành chính đã hết. Căn cứ
trên tình tiết đó, Hội đồng xét xử đã bác bỏ phần phạt tiền và tước quyền sử
dụng giấy phép kinh doanh, giữ nguyên hình thức phạt bổ sung buộc LH và TN phải
loại bỏ yếu tố xâm phạm (phần chữ Miss trên nhãn hiệu), buộc phải trả lại số
tang vật đang tạm giữ để hai Cơ sở thực hiện nghĩa vụ này.
Thi hành phán quyết của phiên toà phúc thẩm, cơ quan
có thẩm quyền đã trả lại số hàng hoá này cho hai Cơ sở LH và TN. Tuy nhiên, hai
Cơ sở này từ chối nhận lại số hàng hoá bị tạm giữ. Lý do đưa ra là số hàng hoá
này đã không được niêm phong đầy đủ. Vì vậy, không đảm bảo có phải đây chính là
số hàng hoá của họ hay không.
(Nguồn:
Vnexpressnete, ngày 21.7.2005; VietnamNet, ngày 4.11.2005)
Bình luận
1. Việc hai Cơ sở LH và TN có hành vi xâm phạm quyền
đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của Công ty SG là rõ ràng, không thể
chối cãi và bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN là chính xác.
Tuy nhiên, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Đó là trong thời hạn 10
ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền
phải ban hành quyết định xử phạt. Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp,
cần phải xác minh thì thời hạn này có thể gia hạn đến 30 ngày hoặc chậm nhất
không quá 60 ngày. Tuy nhiên, để được áp dụng thời hạn này, người có thẩm quyền
ký quyết định xử phạt phải báo cáo, xin phép và được sự đồng ý của cấp trên
trực tiếp của mình.
2. Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Xử lý vi phạm
hành chính cho phép tổ chức/cá nhân có quyền khiếu nại quyết định xử phạt hành
chính. Trước hết là khiếu nại với người ra quyết định xử phạt. Nếu không đồng ý
với kết quả giải quyết của người này thì có quyền khiếu nại lên cấp trên trực
tiếp hoặc khởi kiện vụ kiện trước Toà Hành chính.
LH và TN đã khiếu nại với Chủ tịch UBND thành phố Hồ
Chí Minh. Không đồng ý với kết quả giải quyết của Chủ tịch, hai doanh nghiệp đã
khởi kiện ra Toà Hành chính thể hiện doanh nghiệp đã hiểu và sử dụng đúng quyền
của mình.
3. Trong vụ việc này, cơ quan thụ lý vụ việc đã chậm
trình Chủ tịch UBND thành phố, nên quyết định xử phạt ban hành chậm so với thời
hiệu 2 ngày. Do quá thời hiệu nên việc ra quyết định áp dụng hình thức xử phạt
chính bằng tiền (75 triệu đồng) và áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu
giấy phép kinh doanh 1 năm là không đúng quy định. Vì lý do đó, Toà Hành chính
- Toà án Nhân dân Tối cao đã huỷ bỏ hình thức phạt chính và phạt bổ sung là đúng
quy định.
Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền chỉ được áp
dụng biện pháp khác. Đó là buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm như phán quyết của Toà
là đúng quy định. Tuy nhiên, việc này lại không thực hiện được vì LH và TN từ
chối nhận lại hàng hoá xâm phạm bị tạm giữ. Lý do vì hàng hoá không được niêm
phong đúng quy định. Đây lại là một thiếu sót của cơ quan có thẩm quyền vì
không đảm bảo thủ tục niêm phong khi tạm giữ hàng hoá với số lượng lớn.
4. Một hành vi xâm phạm quyền nhưng không bị xử lý
triệt để vì không đảm bảo trình tự, thủ tục trong quá trình xử lý. Vì vậy,
trong quá trình xử lý các vụ xâm phạm quyền SHCN, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và
chỉ dẫn địa lý, các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo tuân thủ nghiêm túc, đầy
đủ các trình tự, thủ tục theo quy định.
Lê Văn Kiều
Nguyên Chánh Thanh tra Bộ
KH&CN
|