Tháng 9.2006, Công ty TNHH công nghiệp dược phẩm TC Thái
Lan (TC) sở hữu nhãn hiệu Red Bull + hình (đã được bảo hộ độc quyền tại Việt
Nam) đề nghị xử lý bằng biện pháp hình sự ông H về tội xâm phạm quyền SHCN.
Tại tòa, ông H cho rằng mình bị oan, vì thời điểm đó ông
không có ý “đánh lừa” khách hàng bằng sản phẩm giống nhãn hiệu Red Bull + hình.
ông cho biết, trước đây đã nhìn thấy hình hai con lợn húc nhau nên khi chuyển
qua kinh doanh chính ông đã nghĩ ra mẫu mã đó và đã được sự cho phép của Sở Y
tế. Trước đó, ông H từng bị phạt hành chính 2 lần về hành vi xâm phạm quyền
SHCN nhãn hiệu “Heneiken” và “Sài Gòn”.
Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông H 3
năm cải tạo không giam giữ về tội “xâm phạm quyền SHCN” theo quy định tại Điều
171 Bộ luật Hình sự và tội “trốn thuế”.
(nguồn: Cand.com, ngày 25.1.2007)
Bình luận
1. Theo quy định
của Điều 171 Bộ Luật Hình sự,
hành vi xâm phạm quyền ở mức độ từ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt
nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
Các mức độ nghiêm trọng nêu trên được đánh giá thông qua
một trong các tiêu chí sau: Lợi nhuận đã thu được từ 10.000.000 đồng trở lên;
gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng trở lên;
hàng hóa xâm phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.
Trong trường hợp vi phạm lần đầu, tính chất, mức độ hành vi
chưa nghiêm trọng, chưa đạt tới các ngưỡng nói trên, nhưng trước đó đã bị xử
phạt hành chính về SHCN, nay tái phạm thì sẽ bị xử lý bằng biện pháp hình sự.
Trong trường hợp xâm phạm nhãn hiệu Red Bull + hình này có thể tính chất, mức
độ chưa nghiêm trọng, nhưng trước đó ông H đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
SHCN 2 lần vì xâm phạm đối với nhãn hiệu “Heneiken” và “Sài Gòn”. Hai lần vi
phạm đó có thể không đồng nhất về hành vi, đối tượng vi phạm, nhưng cùng trong
lĩnh vực SHCN (nhãn hiệu) nên bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong
cùng lĩnh vực.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình
sự thì một trong các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự là khi có yêu
cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. ở đây, Công
ty TC đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng
biện pháp hình sự đối với hành vi của ông H.
Xem xét các điều kiện trên, hành vi của ông H đáp ứng đủ
điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu
do Công ty TC đang sở hữu. Do đó, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng
Điều 171 Bộ luật Hình sự để xử lý hành vi của ông H là phù hợp với quy định của
pháp luật.
2. Công ty TP sản xuất vỏ hộp có gắn nhãn hiệu Red Bull +
hình. Các vỏ hộp này (khi chưa được nạp hàng hóa là nước tăng lực bên trong)
chính là vật mang nhãn hiệu. Đây cũng là hành vi xâm phạm quyền của Công ty TP
trong việc sản xuất vật mang nhãn hiệu nhưng chưa bị xem xét, xử lý hành chính
vì chưa có quy định chế tài đối với trường hợp sản xuất, buôn bán vật mang nhãn
hiệu tại thời điểm hành vi xảy ra.
ông H đặt hàng cho
Công ty TP sản xuất 73.000 vỏ lon. Trong tình huống này, ông H chính là bên
giao cho người khác thực hiện hành vi sản xuất vỏ lon, chính là vật mang nhãn
hiệu. ông H cũng chưa bị xử lý về hành vi này.
3. Rõ ràng là hành vi của Công ty TP và của ông H là hành
vi xâm phạm quyền của Công ty TC vì sử dụng các nhãn hiệu của họ gắn trên sản
phẩm các vỏ lon khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Tuy nhiên,
vì chưa có chế tài xử lý nên tại thời điểm đó chưa xử lý được hành vi này.
Chính vì vậy, để xử lý triệt để, không bỏ sót các hành vi
xâm phạm quyền SHCN, Điều 14 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi
phạm hành chính về SHCN đã quy định hành vi sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu,
buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý xâm phạm sẽ bị: Phạt cảnh cáo hoặc
phạt tiền từ 1 đến 2 lần giá trị hàng hóa xâm phạm đã phát hiện được đối với cá
nhân/tổ chức thực hiện một trong các hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển,
buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây
nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ của tổ chức/cá nhân khác
hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này trong trường hợp hàng hóa xâm
phạm phát hiện được có giá trị đến 20 triệu đồng; trường hợp giá trị trên 20
triệu đồng sẽ bị xử phạt ở khung tiền phạt cao hơn.
Hành vi sản xuất vật mang nhãn hiệu và giao cho người khác
sản xuất vật mang nhãn hiệu của ông H nếu xảy ra sau thời điểm Nghị định số
106/2006/NĐ-CP có hiệu lực thì sẽ bị xử phạt theo Điều 14 của Nghị định này.
|