Tháng
5.2008, Công ty con của GIVI tại Việt Nam phát hiện trên thị trường thành
phố Hồ Chí Minh đang lưu thông, bày bán các sản phẩm hộp chở đồ xe máy có cơ
chế vận hành và sử dụng giống với sáng chế đã được bảo hộ độc quyền của GIVI.
Các sản phẩm này được sản xuất và bán bởi Công ty Đức Minh (Đức Minh).
Ngay
sau khi phát hiện vi phạm, Công ty GIVI đã ủy quyền cho Công ty INVESTIP
(INVESTIP) tiến hành các thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền sáng chế của Đức
Minh theo các quy định của pháp luật. INVESTIP đã gửi thư khuyến cáo tới Đức
Minh, phân tích hành vi xâm phạm và yêu cầu Đức Minh ký vào bản cam kết chấm
dứt ngay việc sản xuất, lưu hành các sản phẩm vi phạm sau 15 ngày kể từ ngày
cam kết.
Sự
việc trở nên căng thẳng khi Đức Minh có thư phản hồi với nội dung không thừa
nhận hành vi xâm phạm và từ chối thực hiện bản cam kết. INVESTIP đã có thiện
chí chủ động tổ chức một buổi làm việc trực tiếp với Đức Minh nhằm phân tích,
giải thích và thuyết phục Đức Minh thừa nhận hành vi xâm phạm, tránh các thiệt
hại cho công ty này nếu bị các cơ quan chức năng xử lý. Vì thế, các bên đã có
buổi họp vào ngày 25.7.2008. Tuy nhiên, tại buổi họp, Đức Minh biện hộ rằng, sản
phẩm của mình có chứa cơ cấu đóng mở nắp gần giống với sáng chế được bảo hộ,
nhưng chưa tới mức vi phạm. Đức Minh chỉ thừa nhận hành vi xâm phạm nếu có văn
bản xác nhận của cơ quan chức năng. Đồng thời, Đức Minh cũng hứa sẽ có trả lời
chính thức sau khi hỏi ý kiến luật sư và trao đổi với bộ phận kỹ thuật.
Ngày
4.8.2008, Đức Minh chủ động gửi công văn đề nghị được làm việc với đại diện của
GIVI và INVESTIP nhằm thương lượng, giải quyết sự việc theo hướng hòa giải. Tuy
nhiên, tại cuộc họp, các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung, phía Đức Minh
vẫn không thừa nhận hành vi xâm phạm và sau đó đã có công văn từ chối chính
thức việc thừa nhận hành vi xâm phạm gửi INVESTIP ngày 8.8.2008.
Theo
yêu cầu của INVESTIP, Thanh tra Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh và Cảnh sát
Kinh tế (C15) đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính
đối với Đức Minh. Tại đây, các cơ quan chức năng đã thu giữ và niêm phong các
sản phẩm sử dụng trái phép sáng chế của GIVI. Đức Minh đã phải thừa nhận hành
vi xâm phạm và ký vào biên bản, tiến hành tự tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm xâm
phạm và cam kết không tiếp tục tái phạm.
(Nguồn: Báo Công thương điện tử ngày 12.12.2008)
Lời bình
1.
Năm 2005, GIVI đã đăng ký và được bảo hộ độc quyền sáng chế hộp chở đồ của xe
máy có thể điều chỉnh chuyển động của cơ cấu đóng mở nắp tại Việt Nam. Căn cứ
khoản 1 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), kể từ đó GIVI có quyền ngăn cấm
người khác sử dụng sáng chế của mình dưới dạng: Sản xuất, áp dụng quy trình,
khai thác công dụng của sản phẩm, lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để
lưu thông hộp chở đồ của xe máy có thể điều chỉnh chuyển động của cơ cấu đóng
mở nắp tại Việt Nam.
2.
Là chủ thể quyền của sáng chế, khi phát hiện Đức Minh sản xuất, bán các sản
phẩm có cơ cấu tương tự với cơ cấu sản phẩm được chế tạo từ sáng chế của mình,
GIVI thông qua đại diện, đã cảnh báo, yêu cầu Đức Minh chấm dứt hành vi xâm
phạm sáng chế là đúng quy định. Việc cảnh báo đó là cần thiết để trong trường
hợp Đức Minh vì vô tình mà sử dụng sáng chế của GIVI thì kịp thời chấm dứt hành
vi đó để không bị xử phạt và không bị tịch thu các sản phẩm xâm phạm, hạn chế
thiệt hại về kinh tế.
3.
Điều đáng nói ở đây là cách hành xử không thích hợp của Đức Minh đã dẫn đến họ
bị xử phạt, thiệt hại vật chất, mất uy tín với khách hàng và nhiều hệ lụy khác.
Trong
trường hợp này, nên ứng xử như thế nào?
Thứ
nhất, sau khi nhận được khuyến cáo từ đại diện của GIVI, yêu cầu chấm
dứt hành vi sản xuất, bán các sản phẩm có cơ cấu giống như cơ cấu của sản phẩm
của GIVI đang được bảo hộ là sáng chế, lẽ ra Đức Minh phải kiểm tra lại ngay
sản phẩm của mình, xem sản phẩm do mình sản xuất có cơ cấu giống như cơ cấu
đang được bảo hộ trong sáng chế của GIVI không? Nếu câu trả lời là có thì Đức
Minh phải thận trọng và tìm cách giải quyết.
Thứ
hai, nếu hai sản phẩm có cơ cấu giống nhau, cùng sử dụng một giải
pháp kỹ thuật thì liệu Đức Minh có được hưởng các quyền quy định tại khoản 2
Điều 125 Luật SHTT không? Đó là các quy định chủ sở hữu các đối tượng SHCN,
trong đó có sáng chế, không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện một số hành
vi. Trong trường hợp cụ thể này, liệu Đức Minh có quyền sử dụng trước đối với
sáng chế của GIVI không? Nếu trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (trường hợp
có ngày ưu tiên) của đơn đăng ký sáng chế của GIVI mà Đức Minh đã sử dụng hoặc chuẩn bị
các điều kiện cần thiết để sử dụng giải pháp, sản phẩm đồng nhất với sáng chế
trong đơn đăng ký của GIVI nhưng được Đức Minh tạo ra một cách độc lập thì sau
khi văn bằng bảo hộ được cấp cho GIVI, Đức Minh có quyền tiếp tục sử dụng sáng
chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không
phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Việc
thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế, không bị coi là xâm phạm
quyền của chủ sở hữu sáng chế (Điều 134 Luật SHTT).
Thực
tế, năm 2008 Đức Minh bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, sau thời điểm GIVI
được cấp văn bằng (2005). Nhưng liệu trước năm 2005, Đức Minh đã chuẩn bị các
điều kiện cần thiết để sử dụng giải pháp, sản phẩm đồng nhất với sáng chế của
GIVI không? Nếu Đức Minh không có các chứng cứ để chứng minh mình đáp ứng các
quy định của Điều 134 để được xác nhận là người sử dụng trước thì phải thận
trọng.
Tình
tiết của vụ việc cho thấy, Đức Minh không thể đáp ứng các quy định trên của Luật
SHTT. Do vậy, Đức Minh đã có hành vi xâm phạm sáng chế của GIVI.
4.
Khi đã có hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế của GIVI, Đức Minh cần phải
lựa chọn giải pháp sao cho đỡ thiệt hại nhất về kinh tế.
Để
giải quyết ổn thỏa, đúng quy định vụ việc này, có nhiều hướng:
Đức
Minh nhanh chóng chấm dứt không sản xuất, buôn bán các sản phẩm có cơ cấu xâm
phạm, thu hồi sản phẩm này. Theo hướng đó, với quy định tại thời điểm xảy ra vụ
việc (năm 2008), hành vi xâm phạm đã được chấm dứt của Đức Minh không đủ điều
kiện cấu thành hành vi bị xử phạt hành chính. GIVI không có quyền yêu cầu các
cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi của Đức Minh.
Đức
Minh có thể thương lượng mua quyền sử dụng sáng chế của GIVI, để tiếp tục sản
xuất hợp pháp sản phẩm này với chất lượng cao hơn.
Đức
Minh có thể đề nghị GIVI cho phép bán hết số sản phẩm xâm phạm và sẽ bồi thường
cho GIVI một số tiền do hai bên thỏa thuận từ lợi nhuận do hành vi xâm phạm của
Đức Minh mang lại.
Không
rõ các luật sư và kỹ thuật viên đã tư vấn cho Đức Minh về hiện trạng của hai
sản phẩm này ra sao, nhưng sự việc đã không được giải quyết theo các hướng nêu
trên. Đức Minh có văn bản không thừa nhận hành vi xâm phạm sáng chế của GIVI và
do đó không thương lượng để giải quyết vụ việc.
5.
Cách thức mà GIVI ứng xử với Đức Minh thể hiện vừa đúng quy định của pháp luật,
lại mềm dẻo. Trước hết, đại diện của GIVI đã giải thích các quy định của Luật
SHTT, dấu hiệu xâm phạm sáng chế, hậu quả nếu bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Sau đó, yêu cầu Đức Minh chấm dứt, thu hồi sản phẩm và cam kết không xâm phạm
tiếp. GIVI cũng sẵn sàng gặp mặt để Đức Minh thương lượng, giải quyết sự việc.
Tuy nhiên, thiện chí đó đã không được đáp ứng do Đức Minh không nhận thức được
hành vi xâm phạm của mình.
Trong
bối cảnh đó, GIVI phải yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý và hậu quả là
Đức Minh phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết về SHTT, cho hành vi sai trái và
bỏ lỡ cơ hội thương lượng, dàn xếp ổn thỏa sự việc. Hàng hóa bị tiêu hủy, Đức
Minh không chỉ bị thiệt hại về vật chất mà mất cả uy tín với khách hàng.
Lê Văn Kiều
Nguyên Chánh Thanh tra
Bộ KH&CN
|