CHƯA RÕ VỀ KHÁI NIÊM
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành có 3 điều quy định
tội danh về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và 3 tội liên quan đến hàng giả. Thế
nhưng, quá trình áp dụng các điều luật trên lại gặp không ít khó khăn, vướng
mắc.
Cho đến thời điểm hiện tại, trong các nghị định
xử phạt hành chính về lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán (SX, BB) hàng
giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng từng đưa ra các khái niệm khác nhau về
hàng giả, nhưng lại không thể áp dụng trong xử lý hình sự về các trường hợp
này, bởi đây là quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, SX,
BB hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong lịch sử đấu tranh với các loại tội phạm về
hàng giả, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ
tướng Chính phủ về đấu tranh chống SX, BB hàng giả. Ngay sau đó, chúng ta có
Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT thi hành chỉ thị này,
trong đó có khái niệm về hàng giả. Tuy nhiên, sau khi Luật SHTT ra đời thì
nhiều nội dung trong thông tư không còn phù hợp và hết hiệu lực. Từ đó đến nay,
việc hiểu thế nào là hàng giả trong xử lý tội phạm về SX, BB hàng giả chưa có
văn bản chính thức.
Ngay cả trong lực lượng chức năng cũng có nhiều
cách hiểu khác nhau về hàng giả. Thực tiễn cho thấy nhiều vụ việc, các đối
tượng SX ra một mặt hàng ghi xuất xứ của công ty A tại các nước phát triển như
Anh, Pháp, Mỹ, Úc..., tuy nhiên trên thực tế không có công ty đó hoặc nếu có
thì không SX sản phẩm ấy, vì vậy không thể có mẫu để đối chứng, so sánh, giám
định. Trường hợp này được xác định là giả về xuất xứ hàng hóa. Như vậy, hành vi
SX, BB sản phẩm trên có phải là SX hàng giả không? Ví dụ khác, một công ty đăng
ký SX thực phẩm chức năng có những thành phần khác nhau và đã được Cục Vệ sinh
an toàn thực phẩm cấp phép, sau đó công ty này lại SX các sản phẩm không có thành
phần như đăng ký hoặc chỉ tiêu đăng ký không đạt. Như vậy, có phải công ty này
SX hàng giả không? Nếu áp dụng theo khái niệm về hàng giả trong Nghị định
185/2013 thì đây là hành vi SX hàng giả, còn để xử lý hình sự theo điều 157
BLHS thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, rất cần khái niệm mang tính
nhất quán về hàng giả để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra trong đấu tranh với
loại tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi này.
KHÓ PHÂN BIÊT GIỮA VI PHẠM HÌNH SỰ VÀ
HÀNH CHÍNH
Lâu nay có một thực tế là cùng hành vi vi phạm
lại có thể bị xử lý hình sự hoặc chỉ xử lý hành chính, tùy theo cơ quan chức
năng ra quyết định. Tình trạng này vừa "làm khó” lại vừa dễ gây điều tiếng
cho cơ quan điều tra. Theo Nghị định 99/2013/ND-CP ngày 29-8-2013 về xử phạt
hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), quy định mức phạt đối với
hành vi xâm phạm quyền SHCN như "xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn
địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp (điều 11); SX, nhập khẩu, buôn
bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý
(điều 12)". Trong đó, mức phạt được căn cứ vào trị giá hàng hóa vi phạm và
đây cũng chính là hành vi được BLHS điều chỉnh tại điều 171 - tội xâm phạm
quyền SHCN. Tuy nhiên, theo Nghị định 99/2013, chỉ quy định mức phạt tối đa
không quá 250 triệu đồng cho các hành vi vi phạm và lại không quy định giá trị
hàng hóa vi phạm tối đa bị xử phạt hành chính. Có nghĩa là trị giá hàng hóa
trên mức tối đa thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo Luật Hình sự. Do đó, mặc dù
lượng hàng vi phạm có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, cơ quan chức năng vẫn có
thể chỉ xử lý hành chính, không truy tố về hình sự mà vẫn đảm bảo đúng luật!
Ngoài ra, trong 6 tội về hàng giả, xâm phạm SHTT
được quy định trong BLHS có một số tình tiết để định khung tăng nặng cần phải
có thông tư, văn bản hướng dẫn như "thu lợi bất chính lớn", "thu
lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn", "gây hậu quả nghiêm
trọng", "rất nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng"...
Hiện cũng chưa có hướng dẫn thế nào là "quy
mô thương mại" trong xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
và xâm phạm quyền SHCN (các điều 170a, 171 BLHS). Trước đây, việc truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT quy định tại các điều
131, 171 BLHS được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2008.
Sau khi BLHS được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, trong đó điều 131 sửa
thành điều 170a - tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và sửa điều 171 -
tội xâm phạm quyền SHCN thì Thông tư liên tịch 01 không còn phù hợp nhưng cũng
chưa có quy định nào thay thế. Đến nay cũng chưa có văn bản nào quy định hay
hướng dẫn thế nào là "quy mô thương mại". Đây là khó khăn rất lớn cho
cơ quan điều tra khi xử lý các vụ án kinh tế liên quan.
|